THÔNG TIN Y DƯỢC

BÁC SĨ BVĐK HÒA HẢO – MEDIC CẦN THƠ CHIA SẺ KIẾN THỨC VỀ BỆNH – P 22
[ Cập nhật vào ngày (16/06/2022) ]

Bệnh bướu giáp đơn thuần – Các phương pháp điều trị thích hợp


Bướu giáp đơn thuần là bệnh xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là ở nữ giới. Bệnh có thể tiến triển, gây chèn ép làm ảnh hưởng đến thẫm mỹ và sức khỏe bệnh nhân. Bệnh được điều trị hiệu quả nếu được phát hiện điều trị sớm và tuân thủ tốt theo hướng dẫn của bác sĩ. Chia sẻ về bệnh này, bác sĩ CK I Huỳnh Chí Song, Trung tâm Kiểm tra Sức khỏe – BVĐK Hòa Hảo, cho biết:

BS.CKI Huỳnh Chí Song

Bướu giáp đơn thuần hoặc bướu giáp không độc còn được gọi là bướu giáp bình giáp, được định nghĩa là tình trạng tuyến giáp lớn nhưng không kèm suy giáp hay cường giáp, không bị viêm hoặc u. Tên gọi bướu giáp đơn thuần, nhưng bệnh xuất hiện trong nhiều bất thường khác nhau. Có ba thể bướu giáp đơn thuần: Thể lan tỏa, thể nhiều nốt, thể một nốt (còn gọi thể nhiều nhân, thể một nhân). Bệnh thường gặp ở nữ và chịu ảnh hưởng của các giai đoạn thay đổi sinh lý như: dậy thì, thai kỳ, mãn kinh.

 

* Dấu hiệu nào giúp ta nhận biết được bướu giáp đơn thuần, thưa bác sĩ?

Bệnh thường không có triệu chứng nên lúc đầu được phát hiện một cách tình cờ bởi người xung quanh, khi người bệnh soi gương, mặc áo thấy cổ chật hoặc khi khám sức khỏe định kỳ.

- Người bệnh đôi khi cảm giác nghẹn, mỏi vùng cổ.

- Nhìn có thể thấy cổ to mức độ khác nhau.

- Sờ: Mật độ khác nhau có thể đều, lan tỏa, gồ ghề,...

- Không có dấu hiệu viêm (sưng, nóng, đỏ, đau).

Bảng: Phân độ bướu giáp theo Tổ chức Y tế Thế giới.

Độ

Đặc điểm

0

Tuyến giáp không lớn (khi nhìn cũng như khi sờ)

1

Sờ thấy bướu giáp lớn nhưng không nhìn thấy với tư thế cổ bình thường. Khối di động theo nhịp nuốt khi sờ.

2

Nhìn thấy bướu giáp lớn với tư thế cổ bình thường. Hình ảnh bướu giáp lớn phù hợp với khám khi sờ cổ (bướu giáp nhìn thấy và sờ thấy).

 

* Bác sĩ có thể cho biết các nguyên nhân nào gây ra bướu giáp đơn thuần?

Có nhiều nguyên nhân gây ra ra bướu cổ thông thường như sau:

Do thiếu iod: bệnh xuất hiện nhiều ở một số địa phương có đặc điểm địa lý thiếu hụt iod, ngoài ra còn do ăn uống thiếu hụt iod. Thiếu hụt iod còn gây ra bệnh bướu giáp địa phương, bệnh đần địa phương.

Do thức ăn: như su hào, bông cải, bắp cải, khoai mì, đậu nành và các chế phẩm của đậu nành có thể dẫn đến bệnh bướu cổ thông thường. 

Rối loạn bẩm sinh do đột biến gen: những rối loạn này có tính chất gia đình, thường tiềm tàng ở dị hợp tử; thường gặp nhất là Hội chứng Pendred người bệnh có bướu giáp kèm theo câm và điếc; nếu rối loạn tổng hợp hormone giáp hoàn toàn sẽ gây suy giáp bẩm sinh.

Nhiễm vi khuẩn: một số vi khuẩn (E.coli, Paraclobactrum, Clostridium perfringens) cũng có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp, gây bệnh bướu giáp đơn thuần.

Hút thuốc lá: Làm tăng nồng độ thiocyanate, cạnh tranh với hấp thu iod vào trong tuyến giáp, hút thuốc trong lúc cho con bú làm giảm nồng độ iod trong sữa mẹ.

Một số thuốc điều trị các bệnh hoặc yếu tố dinh dưỡng cũng tác động trực tiếp đến tuyến giáp, gây bệnh bướu giáp thông thường.

 

* Có những phương pháp nào để điều trị bướu giáp đơn thuần?

          Có nhiều hướng điều trị bướu giáp đơn thuần, bác sĩ điều trị sẽ có chỉ định phù hợp tùy theo tình trạng của mỗi bệnh nhân.

Bệnh nhân được siêu âm giúp chẩn đoán bướu giáp tại BVĐK Hòa Hảo – Medic Cần Thơ

Điều trị loại trừ nguyên nhân:

  • Dùng thuốc có nhiều iod, giảm ăn hoặc ngưng dùng ăn khoai mì, rau củ gây ra bệnh như đã nêu trên.
  • Điều trị do giảm iod: cung cấp thêm iod, tuy nhiên, cần thận trọng đối với những bệnh nhân bướu giáp đa nhân vì dễ cường giáp hóa.

Điều trị hormone:

* Không điều trị khi: người bệnh tuổi dậy thì có bướu giáp to nhẹ đến vừa vì là bướu giáp sinh lý.

* Điều trị khi:

- Bướu giáp lan tỏa mới: 60% có thể trở lại bình thường.

- Bướu giáp lan tỏa lâu ngày.

- Bướu giáp nhân: ít làm giảm kích thước, chỉ không làm bướu nặng hơn, ngưng thuốc bướu có thể to trở lại.

* Điều trị hormon giáp: nhằm ức chế TSH, mong muốn làm giảm kích thước tuyến giáp.

Lưu ý: Khi dùng thuốc nếu thấy nóng nảy, hồi hộp thì nên dùng liều thấp rồi tăng dần hoặc uống cách quãng.

Khuyến cáo không nên sử dụng hormon giáp ở những đối tượng sau:

  • Ở phụ nữ đã mãn kinh, đàn ông trên 60 tuổi.
  • Có bệnh lý tim mạch.
  • Bị loãng xương hoặc bệnh lý nội khoa nặng.
  • Đối với bướu giáp nhân có TSH dưới 1 mUI/L.

* Phẫu thuật: đối với bệnh nhân có bướu giáp quá lớn, lớn nhanh; có chèn ép, có biến chứng; bướu giáp chìm; nghi ngờ ác tính; bướu nhân cường giáp hóa.

* Xạ trị (I131 Hoặc Technitium): Chỉ định cho người già có bướu giáp quá lớn mà không thể phẫu thuật được; đối với bướu giáp tái phát sau phẫu thuật.

 

* Bác sĩ có thể chia sẻ cách phòng bệnh bướu giáp đơn thuần?

Bổ sung các nguyên tố vi lượng cần thiết.

Iod đóng vai trò quan trọng trong tổng hợp các hormone tuyến giáp, do vậy nguyên nhân chính dẫn đến bướu cổ hay các bệnh lý tuyến giáp là vì sự thiếu hụt một phần iod. Chúng ta có thể bổ xung iod thông qua các thức ăn thường ngày như muối, bánh mì, sữa,...

Bổ sung vitamin D và selen, đây là 2 yếu tố giúp tăng cường sức khỏe tuyến giáp

Hạn chế ăn một số loại thực phẩm ảnh hưởng đến tuyến giáp như: cải xoong, cải xoăn, bắp cải, súp lơ, su hào... là những loại thực phẩm thường ngày cung cấp nhiều dưỡng chất. Tuy nhiên, ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng phần nào đến tuyến giáp. Tránh tiếp xúc với những yếu tố độc hại từ môi trường.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ

Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo – Medic Cần Thơ có đầy đủ thiết bị y tế và bác sĩ có trình độ chuyên khoa, giàu kinh nghiệm để chẩn đoán, phát hiện và điều trị các bệnh lý tuyến giáp, trong đó có bệnh bướu giáp đơn thuần. Quý khách có nhu cầu khám, điều trị xin liên hệ:

+ Địa chỉ: số 102, đường Cách mạng Tháng Tám, P. Cái Khế, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

+ Hoặc đăng ký khám qua tổng đài: 0896 169 169 - 02923 909 999.

+ Tìm hiểu thêm thông tin trên Website: http://mediccantho.com.vn 

    Hoặc  https://www.facebook.com/mediccantho để được hỗ trợ trực tuyến.

Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ

“Niềm tin sức khỏe”




Quản trị Theo Tổ Truyền thông






tin tức & sự kiện


Video