TIN TỨC

Tăng nhanh các bệnh ung thư: Hệ lụy của lối sống hiện đại
[ Cập nhật vào ngày (16/06/2022) ]

Ở nước ta hiện nay ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai chỉ sau các bệnh lý tim mạch. Ghi nhận ung thư tại các trung tâm ung thư lớn của cả nước cho thấy hiện nay số ca mắc ung thư có chiều hướng gia tăng với khoảng 150.000 ca ung thư mắc mới và hơn nửa trong số này tử vong. Ước tính số ca ung thư hàng năm tăng từ 5-10%.


Lạm dụng rượu bia làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Hệ lụy của đời sống công nghiệp

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 1/3 các loại ung thư có thể phòng ngừa được bằng cách ăn uống hợp lý, tiêu thụ ít chất béo, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi. Tại các nước đang phát triển, nếu kiểm soát được an toàn thực phẩm cũng sẽ góp phần phòng ngừa ung thư hiệu quả.

Tuy nhiên nhìn vào thực tế cuộc sống hiện nay có thể thấy, cuộc sống hiện đại với áp lực công việc bận rộn khiến cho các bữa cơm gia đình vắng bóng, thay vào đó là những lần tụ tập ăn uống bên các quán ăn vỉa hè, đường phố, đồ ăn nhanh, sự đông đúc xô bồ của các quán bia hơi. Và vấn đề an toàn thực phẩm tại các cơ sở này vẫn còn là dấu hỏi lớn, bản thân các cơ quan quản lý vẫn đang “bất lực”.

Việc thường xuyên ăn uống ở các cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ, song vì sự tiện lợi mà nhiều người vẫn “tặc lưỡi”. Theo các chuyên gia y tế, hóa chất độc hại có trong thực phẩm như thuốc trừ sâu quá ngưỡng cho phép, hàn the, chất formol làm thức ăn dai, tươi màu, phẩm màu công nghiệp dùng nhuộm màu thức ăn mà một số cơ sở vì lợi nhuận đã trộn vào thực phẩm đều là những chất gây ung thư. Chưa kể, việc ăn uống không hợp lý, không đảm bảo vệ sinh, ăn nhiều món ăn có chất đường, chất béo, các món món nướng, rán… có thể dẫn đến các loại ung thư như ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng.

Ngoài ra, sử dụng các loại ngũ cốc bị ẩm mốc có thể bị độc chất aflatoxin gây ung thư gan tấn công cơ thể. Các loại thức ăn muối mặn, thịt bảo quản lâu ngày có thể sinh ra nitrosamine, cũng là chất gây ung thư cao. Theo ông Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, các loại dưa, cà muối quá chua có nhiều nitrosamine là chất gây ung thư đường miệng.

Bên cạnh các nguyên nhân như gen di truyền, chế độ ăn uống thiếu hợp lý thì hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích như rượu bia là nguyên nhân quan trọng gây nhiều loại ung thư. Theo bác sỹ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, sử dụng rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế.

Kết luận của Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) cho thấy rượu bia là chất gây ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ. Tiêu thụ rượu bia ở mức độ nào cũng có nguy cơ ung thư.

Cũng theo bác sỹ Bảo, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi- loại ung thư đang có số mắc cao nhất ở nước ta hiện nay.

Việc lười vận động, ngồi nhiều, stress… cũng mang tới nhiều hệ lụy cho sức khỏe con người. WHO vừa phát cảnh báo lười vận động đã thành “đại dịch”, với khoảng 1/3 phụ nữ và 1/4 nam giới toàn cầu hiện đang không tập luyện đủ mức cần thiết để tăng cường sức khỏe và phòng tránh bệnh tật.

Bận rộn hay quỹ thời gian eo hẹp là những lí do thường được đưa ra cho việc lười vận động của người Việt. Tuy nhiên việc này lại tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật vô cùng lớn, đặc biệt là nguy cơ ung thư.

Trên thế giới, mỗi năm có ít nhất 135.000 ca ung thư tử vong được xác định là do ít vận động. Một số bệnh ung thư có thể kể tới là ung thư đại trực tràng, ung thư buồng trứng, bàng quang… Đặc biệt, lối sống ít vận động có liên quan chặt chẽ đến ung thư ruột kết. Cứ 10 người bị ung thư ruột kết thì có 1 người là do ít vận động.

Thay đổi lối sống

Mặc dù các nguyên nhân gây ra ung thư không chỉ là lối sống mà còn là các yếu tố gen, song các số liệu nghiên cứu gần đây cho thấy lối sống của mỗi người có thể góp phần giảm hoặc tăng nguy cơ mắc ung thư. Vì thế, lời khuyên của các chuyên gia là mỗi người hãy từ bỏ hút thuốc lá, rượu bia, ăn sạch, sử dụng các biện pháp chống nắng cần thiết.

Bên cạnh đó, mỗi người cần tăng cường ăn rau tươi, trái cây, kiểm soát cân nặng, tập thể dục (mỗi ngày ít nhất tập 20 phút đã giảm nguy cơ ung thư). Ngoài ra, cần đi khám định kỳ, tiêm phòng vắc xin viêm gan siêu vi B, vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung.

Đồng thời cần tăng cường vận động mỗi ngày là cách duy nhất để cải thiện tình trạng ung thư. Theo nghiên cứu, mức tối thiểu cho việc vận động được xác định là 150 phút đối với vận động nhẹ hoặc 75 phút vận động mạnh mỗi tuần.

Chưa kể, các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu cũng có thể gây hậu quả nhất định đối với sức khỏe. Do đó, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến nghị người dân không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần.

Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch nước uống, tức tương đương với 3/4 chai hoặc lon bia 330 ml (5%), một ly rượu vang 100 ml (13,5%), một cốc bia tươi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).

Về phía các cơ sở y tế, ông Trần Văn Thuấn cho biết, chiến lược phòng chống ung thư nói chung có 4 nội dung phòng bệnh, phát hiện sớm, nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị chẩn đoán và chăm sóc giảm nhẹ. Nhưng tùy từng loại ung thư mà phương pháp phòng chống có khác nhau.

Với ung thư phổi hiện nay có tỉ lệ mắc cao, trên 95% ca mắc có liên quan đến thuốc lá, bao gồm cả hút thuốc bị động và chủ động. Do vậy biện pháp quan trọng nhất là hạn chế việc sử dụng thuốc lá, có biện pháp xử lý nghiêm những người hút thuốc lá nơi công cộng.

Loại ung thư nguy hiểm là ung thư đại tràng, bên cạnh yếu tố di truyền, người dân có thể phòng ngừa bằng chế độ ăn nhiều hoa quả rau xanh, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý bởi người béo phì có nguy cơ ung thư đại trực tràng nhiều hơn người có thể trạng cơ thể chuẩn.




Quản trị Theo Nguồn: Báo Hải Quan




TIN TỨC & SỰ KIỆN


Video