BÁC SĨ BVĐK HÒA HẢO – MEDIC CẦN THƠ CHIA SẺ KIẾN THỨC VỀ BỆNH – P16
Những điều cần biết về bệnh máu nhiễm mỡ
Tăng mỡ máu là thường gặp ở người trưởng thành, có thể dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm khác và gây đột tử cho người bệnh. Bệnh ít có triệu chứng khó chịu nên khi phát hiện ở giai đoạn đầu thường dễ bị chủ quan bỏ qua hoặc người bệnh khó phát hiện được bệnh nếu không đến bác sĩ kiểm tra sức khỏe. BS. CKI Châu Phước Hữu, Phòng khám Nội tiết, BVĐK Hòa Hảo – Medic Cần Thơ có một số chia sẻ kiến thức cơ bản về bệnh này như sau:
Máu nhiễm mỡ (còn gọi là bệnh mỡ máu, hoặc bệnh tăng mỡ máu, hoặc rối loạn chuyển hoá lipid máu) là tình trạng chỉ số thành phần mỡ có trong máu vượt quá mức giới hạn bình thường dẫn đến rối loạn chức năng mỡ trong máu. Tại Việt Nam có tới 30% người trưởng thành mắc bệnh mỡ máu. Số người bị tăng mỡ máu ngày càng gia tăng, đặc biệt ở những người trẻ tuổi.
* Làm thế nào để biết mình đang bị tăng mỡ máu, thưa bác sĩ?
Bệnh tăng mỡ máu thường không có triệu chứng hoặc có rất ít dấu hiệu để nhận biết nên khó phát hiện và làm cho người bệnh chủ quan và thường phát hiện muộn. Xét nghiệm bộ mỡ trong máu là cận lâm sàng quan trọng để phát hiện tình trạng tăng mỡ máu.
Như đã nói ở trên, bệnh này trên lâm sàng thường không có triệu chứng hoặc rất ít dấu hiệu nhận biết, u vàng trên mi mắt là dấu hiệu thường thấy ở những bệnh nhân có mỡ máu tăng quá cao, đa số các trường hợp tăng mỡ máu đều cần làm xét nghiệm bộ mỡ trong máu để có chẩn đoán chính xác. Các chỉ số thành phần mỡ có trong máu bình thường như sau:
- Cholesterol toàn phần: 5.2 mmol/l
- Triglyceride: 1.8-1.88 mmol/l
- LDL-Cholesterol: 3.4 mmol/l
- HDL-Cholesterol: < 0.9 mmol/l (mỡ tốt)
Người có kết quả xét nghiệm các chỉ số vượt mức trên đây gọi là tăng mỡ máu. Khi có rối loạn về chỉ số xét nghiệm các thành phần mỡ trong máu thì bệnh nhân cần đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị khi cần thiết.
* Bác sĩ có thể cho biết mỡ trong máu cao có thể dẫn đến những hệ lụy gì?
Rối loạn mỡ máu kéo dài, đặc biệt là chỉ số LDL (còn gọi mỡ xấu) và Cholesterol toàn phần nếu không được điều trị kịp thời có thễ dẫn đến xơ vữa mạch máu gây ra các vấn đề tim mạch như: bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đột quỵ não có thể gây tử vong đột ngột hoặc để lại di chứng suốt đời cho người bệnh.

Ảnh: chỉ có tính chất minh họa
Đến bác sĩ khám và thực hiện xét nghiệm cần thiết để xác định chính xác tình hình mỡ máu và có hướng xử trí thích hợp nhất.
Chỉ số Triglyceride tăng cao dẫn đến gan nhiễm mỡ, về lâu dài gan nhiễm mỡ sẽ tiến triển thành viêm gan, xơ gan,... Triglyceride nếu tăng quá cao có thể gây nguy cơ viêm tuỵ cấp, tắc mạch cấp tính, đây là những bệnh nếu xảy ra thường khó điều trị vì tỷ lệ tử vong cao và di chứng nặng nề.
* Xin bác sĩ hãy chia sẻ cách phòng ngừa tăng mỡ máu?
Máu nhiễm mỡ nếu được phát hiện sớm người bệnh có thể thay đổi chế độ ăn uống khoa học, tập luyện thể dục thường xuyên để làm giảm nồng độ mỡ trong máu. Nếu để bệnh phát triển đến giai đoạn nặng, việc điều trị sẽ khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Ngoài ra, rối loạn mỡ máu nếu không được điều trị đúng cách và dứt điểm sẽ rất dễ tái phát trở lại. Để phòng tránh bệnh mỡ máu cao hiệu quả, ta nên thực hiện theo những biện pháp sau:
- Kiểm soát cân nặng cơ thể và duy trì ở mức hợp lý, tham gia vào các hoạt động như đi bộ nhanh, chạy bộ, đi xe đạp... Hãy sắp xếp thời gian và tần suất luyện tập. Hoạt động từ từ khoảng 30-45 phút/lần, ít nhất 3 lần/tuần. Nếu bạn thừa cân hoặc ít hoạt động trong nhiều năm hãy dành vài tháng để dần dần đạt tới tốc độ này. Mức vận động càng cao, tốc độ giảm cân càng nhanh.
- Hạn chế sử dụng chất béo bão hòa, tránh nguồn thực phẩm cô đặc như nội tạng, lòng đỏ trứng và sữa nguyên kem.
- Nên sử dụng các thực phẩm chứa nhiều chất béo có lợi, ăn nhiều cá, Một số loại cá - đặc biệt là cá béo hay sống ở nước lạnh như cá hồi, cá thu và cá trích. Các loại cá này chứa lượng lớn chất béo không bão hòa đa là axít omega-3, làm giảm nồng độ triglycerid.
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi để bổ sung chất xơ và chất khoáng cho cơ thể.
- Tránh xa rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích...
- Giảm ăn đường, là một cách làm giảm triglyceride máu
- Không nên ăn nhiều đạm, ăn tối muộn hoặc ăn quá nhiều vì sẽ gây khó tiêu, cholesterol bị đọng lại trên thành động mạnh.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo – Medic Cần Thơ có đầy đủ các phương tiện xét nghiệm và đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên khoa, giàu kinh nghiệm để chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm tăng mỡ máu. Quý khách có nhu cầu khám, điều trị máu nhiễm mỡ xin liên hệ:
+ Địa chỉ: số 102, đường Cách mạng Tháng Tám, P. Cái Khế, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
+ Hoặc đăng ký khám qua tổng đài bệnh viện 02923 909 999.
+ Tổng đài Trung tâm Kiểm tra Sức khỏe: 0896 169 169
+ Tìm hiểu thêm thông tin trên Website:
http://mediccantho.com.vn
https://www.facebook.com/mediccantho để được hỗ trợ trực tuyến.
Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ
“Niềm tin sức khỏe”
Tổ Truyền thông