THÔNG TIN Y DƯỢC

BÁC SĨ BVĐK HÒA HẢO – MEDIC CẦN THƠ CHIA SẺ KIẾN THỨC VỀ BỆNH – P 23
[ Cập nhật vào ngày (16/06/2022) ]

TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN Ở TRẺ EM - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT


Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khá phổ biến trẻ em và trẻ sơ sinh. Cha mẹ không khỏi đau đầu với tình trạng nôn thức ăn hoặc sữa của con sau bữa ăn. Nhiều trẻ sút cân, suy dinh dưỡng, thậm chí bị các biến chứng lên đường hô hấp. Chia sẻ một số kiến thức liên quan đến bệnh này, BS.CKI Đỗ Thị Diễm Phương, Phòng Khám Nhi, BVĐK Hòa Hảo – Medic Cần Thơ, cho biết:

BS Đỗ Thị Diễm Phương

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng thức ăn từ dạ dày trào ngược trở  lên thực quản. Trào ngược ở trẻ có thể là sinh lý hoặc bệnh lý. Trào ngược bệnh lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Tình trạng bệnh kéo dài sẽ gây suy dinh dưỡng và các biến chứng hô hấp cho trẻ.

         * Dấu hiệu nào giúp ta nhận biết trẻ bị trào ngược, thưa bác sĩ?

          Đối với trào ngược sinh lý, độ tuổi gặp phải thường dưới 6 tháng tuổi, tình trạng sẽ giảm dần theo thời gian và khỏi bệnh chậm nhất khi trẻ khoảng 1 tuổi. Triệu chứng thường gặp là bị nôn trớ sữa nhiều lần trong ngày nhưng trẻ vẫn chơi, vui vẻ, ăn ngủ bình thường, lên cân đều, không bị khò khè tái phát nhiều lần,…

          Đối với trào ngược bệnh lý, trẻ nôn nhiều sữa qua miệng và mũi, quấy khóc, biếng ăn, đêm ngủ không tròn giấc, chậm tăng cân, suy dinh dưỡng, thiếu máu kéo dài. Với trẻ lớn hơn có thể đau phía sau xương ức kèm ợ nóng khó chịu. Nặng hơn, trẻ bị biến chứng lên hô hấp, có thể tái phát nhiều lần với các biểu hiện như: Ho, khò khè,… Nhiều trẻ có thể nhập viện vì viêm phổi hoặc các cơn ngừng thở, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhi.

 * Bác sĩ có thể cho biết nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em?

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em có nhiều nguyên nhân gây ra:

  • Dạ dày của trẻ, đặc biệt là lứa tuổi sơ sinh, phát triển chưa hoàn chỉnh nên sữa và thức ăn dễ bị trào ngược; trẻ bú sữa bột, mẹ cho trẻ bú sai tư thế cũng có thể gây trào ngược.
  • Cơ thắt thực quản ở trẻ hoạt động chưa được hiệu quả nên thức ăn, axit dạ dày dễ trào ngược lên khi dạ dày co bóp.
  • Trẻ mắc các bệnh lý thoát vị cơ hoành, sa dạ dày mức độ nặng, hở van tim, bại não,… cũng có nguy cơ bi trào ngược.

Các chẩn đoán cận lâm sàng nào cần thiết đối với trào ngược, thưa bác sĩ?

Để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, bác sĩ dựa vào các triệu chứng kết hợp một số cận lâm sàng như: siêu âm, nội soi đường tiêu hóa trên, chụp X-quang, xét nghiệm máu. Tùy trường hợp cụ thể mà bác sĩ điều trị sẽ có chỉ định cận lâm sàng hợp lý nhất cho trẻ.

Tại BVĐK Hòa Hảo - Medic Cần Thơ, kỹ thuật cận lâm sàng thường được áp dụng để chẩn đoán trào ngược ở bệnh nhi là siêu âm. Phương pháp này không xâm lấn, không gây đau, không phơi nhiễm tia xạ. Siêu âm giúp đánh giá tình trạng trào ngược dạ dày thực quản ở bệnh nhi, khảo sát được những cơn trào ngược sau khi ăn. Trẻ cần được ăn no trước khi vào phòng siêu âm. Bác sĩ đặt đầu dò siêu âm ngay hõm thượng vị, tiến hành khảo sát hình thể và luồng trào ngược dạ dày thực quản.

Siêu âm có thể phát hiện trào ngược dạ dày ở trẻ

Siêu âm trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em cần được thực hiện bởi bác sĩ đã được đào tạo, có kinh nghiệm và kiên nhẫn đối với trẻ, hiểu tâm lý trẻ để trẻ hợp tác.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Phòng Khám Nhi, BVĐK Hòa Hảo - Medic Cần Thơ do bác sĩ có trình độ chuyên khoa Nhi trực tiếp thăm khám, điều trị. Việc siêu âm phát hiện trào ngược được thực hiện bởi bác sĩ có trình độ chuyên khoa, được đào tạo về siêu âm nhi và có kinh nghiệm trong khảo sát tình trạng trào ngược ở bệnh nhi. Quý khách có nhu cầu xin liên hệ:

 Địa chỉ: số 102, Cách mạng Tháng Tám, P. Cái Khế, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

 Hoặc đăng ký khám qua tổng đài: 02923 909 999 – 02923 909 909

 Tìm hiểu thêm thông tin trên Website: http://mediccantho.com.vn 

    Hoặc  https://www.facebook.com/mediccantho để được hỗ trợ trực tuyến.

Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ

“Niềm tin sức khỏe”




Quản trị Theo Tổ Truyền thông




 
 
 

tin tức & sự kiện


Video